HEN PHẾ QUẢN VÀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH (COPD)

Hen và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD – Chronic Obstructive Pulmonary Diseases) đều có triệu chứng bệnh lý tương tự như ho, thở khò khè, khó thở… Tuy nhiên, đây lại là 2 bệnh hoàn toàn khác biệt về khởi phát bệnh, tần số các triệu chứng và khả năng phục hồi của tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp.

Có 2 nhóm thuốc được dùng cho cả hen và COPD là thuốc dãn phế quản và corticosteroid nhưng vị trí cho lựa chọn hàng đầu lại khác nhau với mỗi bệnh.

Mặc dù có những điểm khác biệt như vậy nhưng bệnh nhân COPD lại thường bị điều trị như hen phế quản hoặc nhiều trường hợp hai bệnh này lại được kê đơn giống nhau. Các kiến thức sau đây giúp hiểu đúng từng bệnh để giúp Dược sĩ lâm sàng từng bước chăm sóc dược cho bệnh nhân hen và COPD.

Hen phế quản (HPQ) còn gọi là suyễn, gặp với tỷ lệ cao trong số các bệnh lý đường hô hấp và có xu hướng ngày càng tăng ở hầu hết các nước. Bệnh chiếm tỷ lệ hàng đầu trong nguyên nhân vào viện và nghỉ học ở trẻ em cũng như lý do nghỉ ốm ở người lớn.

Theo số liệu của tổ chức Kiểm soát hen toàn cầu (GINA, www.ginasthma.com), do hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, tần suất bệnh hen cũng đang tăng nhanh, dao động từ 10 – 25% dân số ở các nước phát triển và từ 8 – 20% tại các nước đang phát triển.

Trên thế giới hiện có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen và 250.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Tỉ lệ mắc hen ở trẻ dưới 15 tuổi trung bình từ 10 – 12% và  6 – 8% ở người lớn. Ở VN, ước tính có 4 triệu người mắc bệnh hen (5% dân số) và số người mắc bệnh vẫn không ngừng tăng hằng năm. Theo Bộ Y tế, 85% trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời

Vậy hen phế quản là gì?

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh thuộc hệ hô hấp được đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở có hồi phục, viêm mạn tính và tăng tính đáp ứng của đường thở đối với nhiều kích thích khác nhau.

Cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân gây bệnh hen phế quản là gì?

Cơ chế bệnh sinh

Các tác nhân kích thích phế quản có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên cơ trơn  phế quản do giải phóng các trung gian hóa học như:

  • Histamin
  • Bradykinin
  • Leucotriene
  • Các yếu tố hoạt hóa tiểu cầu…

Các chất này tác động lên thành và niêm mạc đường hô hấp, gây phản ứng viêm, co thắt, phù nề, tăng tiết dịch phế quản, và tạo thành cơn hen.

Ở người bị hen, sự co thắt và viêm đường dẫn khí xẩy ra đồng thời, gây thu hẹp đường dẫn khí, dẫn đến các triệu chứng điển hình của hen như thở khò khè, cảm giác thắt chặt lồng ngực hoặc thở hổn hển.

Hình ảnh: Hình ảnh đường dẫn khí ở người bình thường và người bị hen phế quản

Nguyên nhân gây bệnh hen phế quản

Dị nguyên và các chất gây kích ứng trong môi trường như:

  • Bụi
  • Phấn hoa
  • Lông chó mèo, lông tơ của các vật dụng làm từ lông
  • Khói thuốc
  • Thuốc
  • Thức ăn tô cá…

Hen có thể xuất hiện khi thay đổi thời tiết.

Do thuốc: Aspirin, các thuôc chống viêm không steroid (NSAID).

Do vận động thể lực quá mức hoặc gặp strees tâm lý (vui buồn quá độ), thay đổi nội tiết khi thai nghén, kinh nguyệt…

Do nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm virus đường hô hấp trên.

Làm sao để chuẩn đoán một Bệnh nhân bị mắc hen phế quản?

Theo WHO (www.ginasthma.com) và “Hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị bệnh hen phế quản” của Bộ Y tế (2009), chuẩn đoán lâm sàng hen nên dựa vào bệnh sử, sự co mặt các cơn khó thở và các bằng chứng sau:

  • Theo dõi sự thay đổi PEF (Peak Expiratory Flow): PEF tăng 60 lít/ phút hoặc ≥ 20% sau khi hít thuốc giãn phế quản (ví dụ Salbutamol) so với trước khi dùng hoặc PEF thay đổi hàng ngày ≥ 20% có thể gợi ý chuẩn đoán hen.
  • Đo FEV1 bằng máy bằng máy đo chức năng hô hấp cũng cho kết quả tương tự khi thực hiện test hồi phục phế quản: FEV1 tăng ≥ 12% hoặc ≥ 200ml sau khi hít thuốc giãn phế quản (nếu vẫn nghi ngờ có thể đo lại lần 2).
  • PEF giao động > 20% nếu đo từng ngày hoặc ≥ 10% nếu đo 2 lần một ngày.

Chuẩn đoán bổ sung:

  • Đối với những người có triệu chứng hen nhưng chức năng hô hấp bình thường, đo đáp ứng đường thở với methacholin, histamin hoặc vận động thể lực để giúp khẳng định.
  • Test da với dị nguyên hoặc đo nồng độ IgE đặc hiệu trong huyết thanh: nếu xuất hiện dị ứng sẽ nghĩ nhiều đến hen. Test cũng giúp xác định được yếu tố nguy cơ ở từng bệnh nhân.

Phân loại theo mức độ bệnh hen

Dựa và tần xuất và mức độ của các cơn hen để phân loại mức độ bệnh hen: nặng, trung bình, nhẹ. Điều đó giúp ích cho việc lựa chọn chế độ điều trị thích hợp.

BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

(Chronic Obstructive Pulmonary Disease – COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4, ngang với HIV/AIDS, chỉ sau bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não và ung thư.

Dự đoán tử vong do COPD sẽ tăng 30% trong vòng 10 năm tới. Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khi các bệnh lý khác đang được kiểm soát tốt, có xu hướng giảm hoặc không đổi thì tần suất COPD đang tăng nhanh.

Nếu năm 1990 COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 thì tới năm 2020 sẽ lên hàng thứ 3. Theo thống kê, tần suất mắc COPD trung bình tại các nước châu Á – Thái Bình Dương là 6,3% và Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ COPD cao nhất (6,7%).

Vậy bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulnonary Disease – COPD) là tình trạng tắc nghẽn lưu thông của đường dẫn khí; sự tắc nghẽn này xảy ra từ từ, có khi kèm theo tăng phản ứng phế quản.

COPD thực chất là tập hợp các bệnh: viêm phế quản mạn, khí phế thũng và hen phế quản với tình trạng tắc nghẽn đường thở không hồi phục.

Viêm phế quản mạn (VPQM):

Viêm phế quản mạn (VPQM) là tình trạng ho khạc ít nhất 3 tháng mỗi năm trong 2 năm liên tiếp, mà sự ho khạc này không do bệnh tim phổi nào khác gây ra.

Tuy nhiên, viêm phế quản mạn đơn thuần thì không nhất thiết  có tắc nghẽn lưu lượng khí thở, VPQM tăng tiết thường do tổn thương giải phẫu bệnh lý ở phế quản, còn COPD thì tổn thương thường bắt nguồn từ tiểu phế quản và phế nang.

Tình trạng viêm đặc trưng bởi sự thâm nhiễm dai dẳng của bạch cầu trung tính, đại thực bào và các lympho T-B trên thành đường dẫn khí. Lympho T cũng là tế bào giữ vai trò chủ yếu trong viêm đường hô hấp ở bệnh nhân COPD. Số lượng tế bào lympho T tăng trong đợt bùng phát của COPD.

Tế bào TCD8 giải phóng ra các cytikine, perforin, gramzym B, yếu tố hoại tử mô, hậu quả gây phá hủy phế nang, tăng quá trình viêm.

Bạch cầu ái toan (Eosinophil E) tăng ở đường thở trong một số bệnh nhân COPD, đặc biệt trong đợt bùng phát. Các trung gian hóa học viêm của tế bào E gồm protein cơ bản chủ yếu (Major basic protein), eosinophil cationic protein, eosinophil peroxidase… gây tổn thương biểu mô phế quản. Tình trạng này phối hợp với sự giải phóng các cytoline, yếu tố phát triển (growth factors) và các chemokines like IL-8 làm bệnh nặng thêm. Ở giai đoạn này nếu có nhiễm virus thì sẽ thấy có hiện tượng tăng bạch cầu eosin.

 Khí phế thũng:

Khí phế thũng là sự giãn nở khoang chứa khí thường xuyên, thành phế nang bị phá hủy (không có xơ hóa phổi), phổi mất độ đàn hồi dẫn tới tắc nghẽn phế quản và tiểu phế quản. Đây là giai đoạn nặng của COPD.

Hen phế quản:

Hen phế quản là tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp có hồi phục. Chỉ có những trường hợp hen phế quản nặng ít hồi phục mới được gọi là COPD

Hình ảnh: Viêm phế quản mạn và khí phế thũng

Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh và cơ chế bệnh sinh của COPD

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra COPD rất khó xác định, nhiều khi hay lẫn lộn giữa nguyên nhân với yếu tố nguy cơ.

Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Khói thuốc lá: là nguyên nhân chính dẫn tới COPD, tuy nhiên chỉ có 15% những người nghiện thuốc lá phát triển thành bệnh này.
  • Ô nhiễm môi trường: Khói, bụi, hóa chất…
  • Khí hậu: Lạnh, độ ẩm cao, sương mù.
  • Nhiễm khuẩn hô hấp nhiều lần khi trẻ dưới 8 tuổi.
  • Yếu tố di truyền: rối loạn vận động nhung mao, thiếu α1 – antitrypsin.

Cơ chế bệnh sinh

Viêm mạn tính đường hô hấp dẫn tới phù nề, tăng lượng dịch nhầy đồng thời có sự quá sản và phì đại lớp cơ trơn, tăng số lượng và đường kính các vi mạch đường dẫn khí là những nguyên nhân làm đường dẫn khí bị thu hẹp. Thêm vào đó là sự hủy hoại nhu mô phổi sẽ làm giảm lực kéo căng tròn đường dẫn khí và lục đàn hồi nhu mô phổi, từ đó gây tắc nghẽn hô hấp, giảm lưu lượng luồng khí thở ra khi gắng sức.

Do sự biến đổi bất lợi về mặt cơ học ở đường hô hấp, trung tâm hô hấp phải tăng hoạt động để giữ được một mức thông khí phế nang cần thiết. Hậu quả là các cơ hô hấp chịu sự kích thích thường xuyên từ trung tâm hô hấp dẫn đến rối loạn chuyển hóa và vận động, mật độ co giãn, đàn hồi.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có những triệu chứng nào?

Triệu chứng trên lâm sàng

Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi trên 40, có tiền sử hút thuốc lá lâu năm, ho khạc đờm nhiều năm, thường có những đợt viêm phế quản cấp tính về mùa lạnh. Tình trạng tắc nghẽn hô hấp gây nên giảm lưu lượng khí trầm trọng, khó thở tăng dần và khả năng lao động giảm sút.

Đợt cấp của COPD: là những đợt nặng lên với biểu hiện nhiễm khuẩn phổi – phế quản, suy hô hấp, suy tim phải cấp.

Thăm dò chắc năng thông khí phổi để đánh giá tình trạng phổi

– FEV1 < 70% và ngày càng giảm nhiều hơn, không hồi phục (test giãn phế quản âm tính)

+ Test giãn phế quản: Đo FEV1 trước khi làm xét nghiệm; xịt salbutamol 200 – 300 mcg, sau 30 phút đo lại FEV1. Nếu FEV1 tăng không quá 15% (<15%) thì Test (-).

– Chỉ số Gaensler (FEV1/FVC) hoặc chỉ số Tiffeneau (FEV1/VC) giảm (bình thường 75-80%)

– FVC giảm ở giai đoạn nặng.

– FEF25-75% giảm >40%

Phân loại mắc độ nặng của COPD

Những phân loại sau đây sẽ có tác dụng tốt cho đánh giá tiến triển của bệnh và dùng cho theo dõi bệnh nhân trước và sau khi dùng thuốc.

Hãy cùng nhau tìm hiểu tiến triển và tiên lượng bệnh.

Tiến triển tự nhiên từ khi có triệu chứng khó thở đến khi xuất hiện tâm phế mạn từ 6-10 năm. Sau đợt cấp đầu tiên của COPD,70% bệnh nhân tử vong trong vòng 2 năm. Sau đợt cấp tái diễn có suy hô hấp cấp, 50% bệnh nhân tử vong trong vòng 1 năm.

Dự đoán tiên lượng dựa vào chỉ số FEV1 và PaCo2.

Các chỉ số dự báo nguy cơ tử vong: FEV1<1L, PaCO2<60mmHg, PaCO2 > 46 mmHg, có triệu chứng tâm phế mạn biểu hiện trên lâm sàng hoặc điện tâm đồ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH KHÁM