Đặc điểm của sỏi niệu quản

Sỏi niệu quản hiếm gặp hơn so với sỏi thận. Mặc dù sỏi niệu quản là bệnh dễ xác định nhưng lại ảnh hưởng đến chức năng của thận ở giai đoạn sớm. Cùng tìm hiểu sỏi niệu quản là gì cũng như đặc điểm của bệnh trong bài viết dưới đây.

1. Sỏi niệu quản là gì?

Sỏi niệu quản là một bệnh lý về đường tiết niệu khi sỏi được hình thành ở thận và di chuyển xuống niệu quản, rồi dừng lại ở các vị trí hẹp tự nhiên của niệu quản. Đa phần sỏi niệu quản có kích thước chiều ngang nhỏ hơn 5mm so với niệu quản, sẽ theo dòng nước tiểu đi xuống niệu quản một cách tự nhiên.

Có hai loại sỏi niệu quản, đó là:

  • Sỏi cơ thể (sỏi nguyên phát): Do sự rối loạn sinh hóa trong cơ thể sinh ra;
  • Sỏi cơ quan (sỏi thứ phát): Do đường bài tiết bị tắc nghẽn dẫn đến ứ đọng nước tiểu gây ra sỏi.

2. Diễn tiến của sỏi niệu quản

  • Sỏi di chuyển từ thận xuống bàng quang phụ thuộc vào kích thước và vị trí của sỏi. Sỏi niệu quản ở đoạn xa sẽ di chuyển xuống bàng quang dễ hơn so với sỏi niệu quản ở đoạn giữa và đoạn gần. Tuy nhiên, chiều ngang của viên sỏi mới là yếu tố chính ảnh hưởng đến sự di chuyển của sỏi;
  • Thời gian di chuyển của sỏi niệu quản xuống bàng quang là trong khoảng 4 – 6 tuần. Với sỏi có kích thước từ 2 – 4 mm thì sỏi đi xuống bàng quang trong 31 – 40 ngày;
  • Tỷ lệ sỏi di chuyển tự nhiên theo vị trí của sỏi lần lượt là 22% (ở niệu quản đoạn gần), 46% (ở niệu quản đoạn giữa) và 71% (ở niệu quản đoạn xa);
  • Căn cứ theo vị trí của sỏi, phương pháp điều trị nội khoa chờ sỏi di chuyển tự nhiên sẽ được áp dụng đối với sỏi niệu quản có kích thước nhỏ hơn 5mm. Ngược lại, với sỏi có kích thước lớn hơn 5mm thì việc di chuyển tự nhiên là rất khó, lúc này cần cân nhắc phương pháp điều trị can thiệp mổ lấy sỏi;
  • Các vị trí sỏi dễ bị mắc lại là ở khúc nối bể thận và niệu quản (10%), chỗ niệu quản bắt chéo bó mạch chậu (20%), đoạn niệu quản nội thành bàng quang (70%);
  • Khi di chuyển, sỏi niệu quản gây ra những tổn thương đối với niệu quản. Niệu mạc xung quanh viên sỏi bị phù nề tạo điều kiện để sỏi bám vào niệu mạc và không thể di chuyển.
dac-diem-cua-soi-nieu-quan-1
Sỏi niệu quản

3. Triệu chứng lâm sàng của sỏi niệu quản

  • Sỏi niệu quản gây đau quặn thận khi sỏi di chuyển trong niệu quản và gây co thắt niệu quản, cơn đau thường xuất hiện đột ngột. Sỏi niệu quản thường gây cơn đau bão thận vì sỏi di động do nhu động của niệu quản và kích thước tương đối nhỏ của sỏi; niệu quản có các dây thần kinh nên khi sỏi di chuyển và cọ xát vào niêm mạc sẽ gây phản ứng co thắt;
  • Tiểu rắt, tiểu buốt do niêm mạc bàng quang bị kích thích, phóng tinh đau khi túi tinh, ống dẫn tinh bị viêm, có thể là do bị sỏi niệu quản ở vùng chậu, đoạn sát bàng quang;
  • Tiểu tiện ra máu có vi thể hoặc đại thể;
  • Nước tiểu đục và có mủ: Đây là dấu hiệu nhiễm trùng thận ngược chiều, khi sốt kèm theo rét run. Trường hợp này có thể gây đe dọa nghiêm trọng chức năng của thận, có nguy cơ nhiễm trùng huyết và choáng nhiễm trùng;
  • Vô niệu cấp tính do sỏi niệu quản gây tắc nghẽn đường tiểu. Tuy nhiên, đây là triệu chứng đột ngột, khi giải quyết tình trạng tắc nghẽn đường tiểu thì thận sẽ được hồi phục;
  • Suy thận mãn tính với các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như sình bụng, đầy hơi, nôn mửa, ăn không tiêu, thiếu máu, mất ngủ,… là do bị sỏi niệu quản một bên hoặc hai bên lâu ngày mà không được phát hiện và điều trị;
  • Đau mỏi lưng, nhất là khi lao động, làm việc nặng, do sỏi không di động và không gây tắc nghẽn đường tiểu trong thời gian dài. Các triệu chứng khác của sỏi niệu quản trên lâm sàng có thể gây chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm túi mật, loét hành tá tràng, viêm dạ dày (sỏi bên phải), đại tràng xuống (sỏi bên trái)…
dac-diem-cua-soi-nieu-quan-2
Sỏi niệu quản gây đau vùng lưng hông

Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ bị sỏi niệu quản, bác sĩ sẽ thăm khám và chẩn đoán dựa trên những triệu chứng sau:

  • Chạm thận dương tính nếu thận bị ứ nước, đau vùng lưng, hông nếu viêm quanh thận;
  • Đau khi khám vùng hố chậu, đây có thể là dấu hiệu của sỏi niệu quản đoạn giữa, nhất là khi có phản ứng viêm quanh niệu quản;
  • Đau dưới sườn nhưng không co cứng thành bụng, có thể là dấu hiệu của sỏi niệu quản đoạn trên.

4. Chẩn đoán sỏi niệu quản dựa trên triệu chứng cận lâm sàng

  • Tổng phân tích và cấy nước tiểu cho kết quả nhiều hồng cầu, có thể có bạch cầu và vi trùng. Đường tiết niệu bị nhiễm trùng có thể gây albumin trong nước tiểu;
  • Chụp X-quang bộ niệu không chuẩn bị (KUB) giúp xác định vị trí, kích thước và hình dáng của sỏi, từ đó cho phép dự đoán khả năng đào thải tự nhiên của sỏi và phác đồ điều trị;
  • Siêu âm ổ bụng giúp phát hiện sỏi và tình trạng thận bị ứ nước. Siêu âm cũng cho phép quan sát sỏi niệu quản, đặc biệt là sỏi kém cản quang. Tuy nhiên, siêu âm không mô tả được vị trí của sỏi và chức năng của thận;
  • Chụp X-quang hệ niệu có cản quang (UIV) được áp dụng với trường hợp sỏi niệu quản buộc phải điều trị can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật. Chụp X-quang cho phép xác định vị trí của sỏi trong đường tiết niệu và mức độ giãn nở của đài bể thận. Bên cạnh đó, kỹ thuật này cũng phản ánh được chức năng của quả thận có sỏi và thận còn lại. Trường hợp thận ứ nước nhiều, có thể không bài tiết trên UIV, do đó, nên chụp sau khi tiêm thuốc cản quang sau 2, 4, hoặc 8 giờ. Nếu thận vẫn không bài tiết có khả năng thận đã bị hư hại nghiêm trọng. Trường hợp sỏi ở cả 2 thận thì UIV được áp dụng để chọn thận ưu tiên phẫu thuật. Ngoài ra, UIV còn phản ánh mức độ giãn nở của niệu quản phía trên sỏi;
  • Chụp niệu quản – bể thận ngược dòng (UPR) được áp dụng khi các kỹ thuật trên chưa kết luận được người bệnh có bị sỏi niệu quản hay không. Tuy nhiên, đây là thủ thuật có tính xâm hại và có thể đưa vi khuẩn từ niệu đạo lên đường tiểu trên. Hiện nay, kỹ thuật này đã được thay thế bằng chụp CT;
  • Chụp CT có thể xác định được sỏi niệu quản và mức độ tắc nghẽn, cũng như đánh giá được chức năng thận.

Sỏi niệu quản là bệnh gây ra các cơn đau quặn thận, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào phương pháp chụp X-quang. Người bệnh có biểu hiện nghi ngờ của sỏi niệu quản nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.

Cần tư vấn vui lòng liên hệ qua số hotline 096.3761115 – 097.880511 hoặc đăt lịch khám tại https://www.facebook.com/benhviendakhoabaoson/?ref=pages_you_manage

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH KHÁM