Dấu hiệu trẻ em bị lồng ruột và cách nhận biết

Lồng ruột là tai biến thường xảy ra ở trẻ đang bú mẹ, đặc biệt là những bé có nhu động ruột mạnh. Khi bị lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẹt, không nuôi được đoạn ruột bị lồng, có thể dẫn đến hoại tử. Vì vậy, phụ huynh cần nắm được các dấu hiệu lồng ruột ở trẻ để sớm đưa trẻ đi cấp cứu, can thiệp kịp thời.

1. Lồng ruột là gì?

Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ 4 – 9 tháng tuổi, đặc biệt là những trẻ bụ bẫm. Thống kê cũng cho thấy bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái, chiếm 70% các trường hợp lồng ruột.

Hiện nay, nguyên nhân gây ra hiện tượng trẻ bị lồng ruột vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có một số yếu tố có ảnh hưởng tới nguy cơ lồng ruột ở trẻ như: sự mất cân đối giữa kích thước của hồi tràng so với van hồi manh tràng, viêm hạch mạc treo ruột, có polyp hoặc khối u ở ruột, viêm nhiễm ở ruột, dính ruột, các sẹo tổn thương ở ruột hoặc sau viêm đường hô hấp.

Lồng ruột làm tắc nghẽn, ứ trệ thức ăn phía trên khối lồng (hiện tượng tắc ruột, bán tắc ruột). Bên cạnh đó, các đoạn ruột luôn kèm theo các mạch máu nuôi dưỡng nên khi lồng ruột xảy ra thường làm các mạch máu cũng bị tắc nghẽn theo. Đoạn ruột bị tắc sẽ nhanh chóng bị giãn to, mạch máu bị ứ trệ khiến đoạn ruột bị thiếu máu, dẫn tới quá trình viêm nhiễm, phù nề, hoại tử, xuất huyết.

Trước 48 giờ sau lồng ruột, chỉ có khoảng 2,5% khối lồng ruột bị hoại tử. Sau 72 giờ lồng ruột, tỷ lệ hoại tử khối lồng là 80%. Hoại tử ruột do lồng ruột sẽ dẫn tới hiện tượng nhiễm khuẩn, nhiễm độc nặng, sốc nhiễm khuẩn, thủng ruột gây viêm phúc mạc, khiến bệnh nhi tử vong.

Nếu trẻ bị lồng ruột được đưa đến bệnh viện sớm, bác sĩ chỉ cần tháo lồng ruột bằng hơi. Nếu trẻ được đưa tới viện muộn hoặc khi thủ thuật tháo lồng ruột bằng hơi thất bại, tùy tình hình mà bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp.

2. Cách nhận biết trẻ bị lồng ruột

Dưới đây là những dấu hiệu lồng ruột ở trẻ em:

  • Độ tuổi dễ bị lồng ruột là trẻ 4 – 9 tháng tuổi, phổ biến nhất ở trẻ 5 – 6 tháng tuổi;
  • Trẻ đang ăn uống bình thường bỗng nhiên khóc thét, bỏ bú, ngừng chơi, da tím tái – báo hiệu khúc ruột đã bắt đầu lồng vào nhau. Sau đó trẻ tạm thời nín khóc, thậm chí bú lại;
  • Khi cơn đau tái phát, trẻ khóc từng cơn, ưỡn người, không bú được, nôn ói ra thức ăn hoặc dịch xanh, dịch vàng;
  • Sau vài giờ trẻ mệt lả, da xanh mượt;
  • Sau khoảng 6 – 12 tiếng, trẻ đi ngoài ra máu tươi hoặc màu nâu, có lẫn chút nhầy. Da trẻ tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh và mắt trũng;
  • Nếu không xử trí trong vòng 24 giờ, trẻ sẽ bị nôn ói liên tục, bụng chướng dần lên, da toàn thân lạnh, nhợt nhạt, mạch nhỏ và nhanh, thở gấp nông, tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, hôn mê, dấu hiệu mất nước nặng; có các biểu hiện của nhiễm khuẩn, nhiễm độc, sốc do mất nước hoặc sốc nhiễm khuẩn;
  • Sờ vào bụng trẻ có thể thấy khối ruột lồng như một đoạn dồi.

Độ tuổi dễ bị lồng ruột là trẻ 4 – 9 tháng tuổi

3. Cách xử trí khi trẻ bị lồng ruột

  • Khi trẻ khóc thét, bỏ bú, nôn ói, cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện;
  • Khi xác định trẻ bị lồng ruột, cần tháo khối ruột lồng bằng cách bơm hơi qua hậu môn hoặc thụt thuốc cản quang dưới hướng dẫn của máy chiếu X-quang. Dưới áp lực của hơi hoặc thuốc, khối ruột lồng sẽ được tháo dần;
  • Nếu trẻ được đưa đến viện muộn quá 6 tiếng, cần phẫu thuật ngay để tháo khối ruột lồng;
  • Trường hợp sau 24 tiếng, ruột đã có dấu hiệu hoại tử, cần phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột đó. Việc chăm sóc và hồi sức sau mổ cũng rất khó khăn và phức tạp, trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
Bú kém
Khi trẻ khóc thét, bỏ bú, nôn ói, cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện

4. Biện pháp phòng tránh lồng ruột ở trẻ em

Do chưa xác định rõ nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu. Cách tốt nhất là phụ huynh nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Khi trẻ có dấu hiệu đau bụng từng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, bỏ bú, xoắn vặn, ngừng chơi,… thì cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đi khám. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ nhanh chóng thăm khám, làm thêm các chẩn đoán cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp X-quang,… để chẩn đoán xác định và có biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ.

Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đăng ký lịch trực tuyến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH KHÁM