PHÂN LOẠI ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là bệnh lý tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Phân loại đái tháo đường gồm:

+ Đái tháo đường type 1

+ Đái tháo đường type 2

+ Đái tháo đường thai kỳ

+ Đái tháo đường do các bệnh lý khác

1. Bệnh Đái tháo đường type 1:

Bệnh Đái tháo đường type 1 còn được gọi là bệnh Đái tháo đường phụ thuộc  insulin  (insulin-dependent), qua trung gian miễn dịch(immune-medicated), hoặc là dạng khởi phát lứa tuổi vị thành niên (juvenile-onset).

Type Đái tháo đường này thường ảnh hưởng đến trẻ em, nhưng cũng có thể xảy ra ở người lớn.

Trong Đái tháo đường type 1, cơ thể không thể sản xuất insulin. Lý do,hệ thống miễn dịch của cơ thể do nhầm lẫn đã tấn công các tế bào trong tuyến tuỵ làm cho  tế bào tuyến tụy không còn  sản xuất được insulin.

Khi không có Insulin,  tế bào sẽ không sử dụng được Glucose, do đó Glucose trong máu sẽ tăng rất cao. Bệnh nhân cần được tiêm insulin để sống

Insulin đóng vai trò gì trong bệnh tiểu đường type 1:

Insulin hoạt động như chìa khóa mở kênh trên màng tế bào, qua đó Glucose đi vào trong tế bào để tạo năng lượng cho cơ thể.

Nếu không có insulin, glucose không thể vào tế bào và sẽ tăng cao trong máu.

Theo thời gian, glucose trong máu tăng cao có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng về tim, mắt, thận, thần kinh, và nướu và răng…

Bệnh đái tháo đường type 1 thường xảy ra ở trẻ em và thanh niên, nhưng có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào.

Nguyên nhân gây tiểu đường type 1:

Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường type 1 là do tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy không còn sản xuất được insulin.

Tại sao tế bào beta tuyến tụy bị phá hủy vẫn chưa được biết rỏ. Nguyên nhân có lẽ do Gen, vi rút, và tự kháng thể có thể đóng vai trò gây ra đái tháo đường type 1.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1:

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 1 thường xuất hiện rất nhanh, trong vài ngày đến vài tuần, và được gây ra bởi lượng đường trong máu cao.

+ Đi tiểu nhiều, nổi bật là tiểu nhiều vào ban đêm: Khi lượng đường trong máu tăng cao, đường sẽ xuất hiện trong nước tiểu và làm áp lực thẩm thấu trong nước tiểu tăng lên, kéo nước tự do vào và làm gia tăng thể tích nước tiểu.

+ Khát nước: Bệnh nhân đi tiểu nhiều lần gây mất nước và kích thích làm cho bệnh nhân thấy khát.

+ Giảm cân mặc dù bệnh nhân ăn rất ngon miệng và ăn nhiều: Điều này xảy ra bởi vì bệnh nhân bị mất nước. Giảm cân cũng có thể do bệnh nhân mất đi tất cả đường vào trong nước tiểu thay vì sử dụng chúng.

+ Đói nhiều: Bệnh nhân cảm thấy đói vì cơ thể không sử dụng được đường glucose trong máu để tạo năng lượng cho tế bào.

+ Nhìn mờ: Khi đường glucose tích tụ trong mắt, làm tăng áp lực thẩm thấu trong nhãn cần, kéo thêm nước tự do vào trong nhãn cầu. Điều này thay đổi hình dạng của nhãn cầu và làm mờ tầm nhìn của bệnh nhân.

+ Bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi: Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi – có cùng cơ chế gây ra đói. Cơ thể của bệnh nhân khi thiếu insulin sẽ không được sử dụng các calo mà bệnh nhân ăn vào, do đó cơ thể sẽ không có năng lượng để hoạt động, dẫn đến mệt mỏi.

+ Vết thường lâu lành

+ Những triệu chứng khác: buồn nôn, ói mửa … là những triệu chứng nặng do đường huyết tăng rất cao.

Chẩn đoán tiểu đường – đái tháo đường:

Bệnh đái tháo đường được chẩn đoán với một trong những xét nghiệm máu sau đây:

+ Đường huyết đói : cao hơn 125 mg / dl trên hai lần xét nghiệm khác nhau

+ Đường huyết ngẫu nhiên : là đường huyết được đo bất kỳ thời điểm nào, không liên hệ tới bữa ăn gần nhất.

 Nếu đường huyết ngẫu nhiên ≥ 200 mg / dl, và bệnh nhân có các triệu chứng như khát, tiểu nhiều, và sụt cân không giải thích được kèm theo: đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường.

+ Test dung nạp Glucose 75 gr bằng đường uống :

Bệnh nhân được thực hiện test dung nạp glucose 75 gr bằng đường uống: Nếu đường huyết 2 giờ sau uống 75g Glucose ≥ 200 mg / dl: Chẩn đoán đái tháo đường.

2. Đái tháo đường type 2:

Tiểu đường tuýp 2 là căn bệnh khá phổ biến tại Việt Nam. Bệnh này nếu không được chẩn đoán sớm để điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng nghiêm trọng. Bạn cần nắm rõ tiểu đường tuýp 2 là gì , nguyên nhân gây ra tiểu đường tuýp 2, triệu chứng bệnh để bảo vệ bản thân và người thân xung quanh.

Tiểu đường tuýp 2 không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức (trừ khi có biến chứng cấp tính như hôn mê tăng áp lực thẩm thấu) nhưng về lâu dài nó gây ra nhiều biến chứng mạn tính, gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể (mạch vành, thận, cơ quan tiêu hóa..).

Nếu bệnh nhân bị tiểu đường mà mắc thêm các bệnh lí khác như nhiễm trùng, chấn thương, nhồi máu cơ tim…tiên lượng sẽ xấu hơn nhiều so với người không mắc tiểu đường.

Nguyên nhân bệnh Tiểu đường tuýp 2

Nguyên nhân tiểu đường tuýp 2 vẫn chưa được biết. Bệnh thường do nhiều yếu tố phối hợp và cũng có sự góp phần của yếu tố di truyền

Triệu chứng bệnh Tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 thường khởi phát từ từ. Đa phần là tình cờ phát hiện. Hoặc bệnh nhân có thể đi khám vì một số triệu chứng bao gồm:

+ Những triệu chứng kinh điển của tiểu đường:

+ Ăn nhiều

+ Uống nhiều (hay khát nước)

+ Tiểu nhiều (do đường trong nước tiểu cao, gây lợi niệu thẩm thấu)

+ Gầy nhiều (gầy sút cân): bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 thường có thể trạng béo, nhưng khi có triệu chứng tăng đường huyết không kiểm soát, hoặc tiểu đường mới phát hiện, họ có thể có giai đoạn sụt cân không rõ lí do, ngoài ý muốn.

Các biến chứng của bệnh đái tháo đường:

Biến chứng cấp tính

Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu: là biến chứng cấp tính, thường găp ở tiểu đường tuýp 2 (tuýp 1 hay gặp nhiễm toan ceton). Biểu hiện yếu, mệt mỏi, khát nước, khô da, chuột rút, mạch nhanh, tụt huyết áp (dấu hiệu mất nước), rối loạn ý thức (lơ mơ, ngủ gà, hôn mê).Tình trạng này tiến triển từ từ trong vài ngày đến vài tuần. Biến chứng này cần phải điều trị cấp cứu.

Biến chứng mạn tính

+ Nhìn mờ (do biến chứng võng mạc, đục thủy tinh thể)

+ Đau ngực thường không điển hình (do biến chứng mạch vành)

+ Tê bì dị cảm ở bàn chân (biến chứng thần kinh)

+ Loét, nhiễm trùng bàn chân

+ Đầy bụng, chậm tiêu, nuốt khó (biến chứng thần kinh tự động gây liệt dạ dày, thực quản)

+ Đau cách hồi chi dưới (đau khi đi lại, đỡ khi nghỉ, do biến chứng mạch máu). Ngoài đau chân còn có, teo cơ, da khô, chi lạnh, mạch bắt yếu. Nặng hơn có thể gây ra hoại tử khô các ngón chân, nguy cơ phải tháo ngón, cắt cụt.

Đối tượng nguy cơ bệnh Tiểu đường tuýp 2

+ Béo phì: tình trạng thừa cân làm tăng sự đề kháng insulin

+ Lối sống tĩnh tại: ít vận động,

+ Tiền sử gia đình có người tiểu đường tuýp 2

+ Tuổi: nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi

+ Tiền sử mắc tiểu đường thai kì ở nữ

+ Hội chứng buồng trứng đa nang

+ Tăng huyết áp

+ Rối loạn mỡ máu

Phòng ngừa bệnh Tiểu đường tuýp 2

+ Chế độ ăn lành mạnh: ít chất béo, mỡ động vật. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả

+ Tập thể dục đều đặn: ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần. Tập thể dục làm tăng nhạy cảm của tế bào với insulin

+ Giảm cân: làm giảm sự đề kháng insulin

+ Kiểm soát huyết áp

+ Điều trị các rối loạn chuyển hóa khác: rối loạn lipid máu

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tiểu đường tuýp 2

Chẩn đoán tiểu đường nói chung (theo hiệp hội đái tháo đường Mỹ)

+ Đường huyết bất kì >11,1 mmol/l, kèm triệu chứng của tăng đường huyết (ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy nhiều)

+ Đường huyết lúc đói (nhịn ăn >8-14h) >7 mmol trong 2 buổi sáng khác nhau

+ Đường huyết 2 giờ sau khi uống 75g glucose >11,1 mmol/l (nghiệm pháp tăng đường huyết)

+ HbA1C (định lượng bằng phương pháp sắc kí lỏng) >6,5%

Ngoài ra: Chúng ta nên nghĩ đến tiểu đường tuýp 2 khi: xuất hiện ở người lớn >30 tuổi, triệu chứng lâm sàng không rầm rộ (phát hiện tình cờ), thể trạng béo, tiền sử đái tháo đường thai kì ở nữ

+ Các xét nghiệm khác: Cholesterol, HDL-C, LDL-C, Triglycerid, tổng phân tích nước tiểu tìm protein niệu, xét nghiệm nước tiểu 24h

+ Soi đáy mắt: tìm các tổn thương võng mạc

+ Điện tâm đồ: tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành

+ Đo chỉ số huyết áp cổ chan-cánh tay (ABI) phát hiện bệnh động mạch chi dưới

+ Siêu âm doppler mạch máu

3. Đái tháo đường thai kỳ:

Theo hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ: Đái tháo đường thai kỳ là các trường hợp được chẩn đoán đái tháo đường vào quý 2 và quý 3 của thai kì ở các sản phụ chưa phát hiện đái tháo đường trước đó.

ĐTĐ thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi như thế nào?

Đái tháo đường thai kỳ mang đến nhiều nguy cơ cho mẹ và sự phát triển của bào thai.

Về phía mẹ: tăng nguy cơ sẩy thai, tiền sản giật và sinh non

Về phía con:

+ Thai to: làm tăng nguy cơ chấn thương cho bé và mẹ trong khi sinh và tăng nguy cơ phải mổ lấy thai.

+ Thai lưu: Đây là biến chứng năng nề nhất tuy nhiên hiện nay biến chứng này có giảm do các Trung tâm đã chủ động tầm soát  đường máu bằng nghiệm pháp tăng đường huyết và theo dõi đường huyết tốt hơn.

+ Hạ đường huyết sơ sinh (lượng đường trong máu thấp ở trẻ sơ sinh).

+ Các bất thường bẩm sinh.

+ Tử vong trong thời gian mang thai, nhất là 3 tháng cuối, khi sinh và sau sinh.

Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ

Theo hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ 2017:

Thực hiện:  Bệnh nhân uống 75g đường hòa trong 150 – 200ml nước đun sôi để nguội trong vài phút, lấy máu tĩnh mạch hoặc ĐMMM trước khi uống đường, sau uống 1h, và sau uống 2h.

Chuẩn bị:  Nghiệm pháp nên thực hiện buổi sáng, sau nhịn đói ít nhất 8h-12h. Thường khuyên bệnh nhân là sau bữa ăn tối (sau 20h) thì Bệnh nhân không ăn gì thêm, 8h sáng hôm sau sẽ làm nghiệm pháp. Nghiệm pháp sẽ không làm quá muộn, sau 9h sáng thì sẽ không làm nghiệm pháp

Chẩn đoán: Đái tháo đường thai kỳ khi có ít nhất 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:

+ Đường huyết đói: ≥ 5.1 mmol/l

+ Đường máu sau 1h: ≥ 10 mmol/l

+ Đường máu sau 2h: ≥ 8.5 mmol/l

Sàng lọc ĐTĐ thai kỳ nên làm vào thời điểm nào?

Thông thường nên làm vào tuần thứ 24- 28 của thai kỳ. Tuy nhiên ở những phụ nữ có yếu tố nguy cơ như:

+ Tiền sử đái tháo đường thai kỳ trong những lần mang thai trước.

+ Tiền sử đẻ con to ≥ 4kg.

+ Thừa cân, béo phì.

+ Mang thai muộn > 35 tuổi

+ Hội chứng buồng trứng đa nang

+ Có đường niệu.

+ Tiền sử gia đình cùng huyết thống có nhiều người đái tháo đường.

4. Các bệnh lý gây đái tháo đường – Đái tháo đường thể đặc biệt:

Bệnh to đầu chi

Rối loạn dung nạp glucose (16-46%) hay đái tháo đường thực sự (19-56%) rất thường gặp trong to đầu chi, do ảnh hưởng trực tiếp của hormon tăng trưởng.

Về mặt lâm sàng, đái tháo đường trong to đầu chi tương tự như đái tháo đường type 2, phần lớn bệnh nhân không cần insulin, chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn hay thuốc hạ đường huyết uống.

Rối loạn dung nạp glucose sẽ được cải thiện và nồng độ insulin giảm sau khi điều trị thành công bằng phẩu thuật hay xạ trị.

Tăng đường huyết có thể xảy ra khi điều trị bằng somatostatin analog vì thuốc này làm giảm tiết insulin.

Điều trị lâu dài, somatostatin giúp cải thiện dung nạp glucose. Sự nhạy cảm insulin được cải thiện khi điều trị bằng pegvisomant .

Nếu tăng đường huyết vẫn tồn tại sau khi nồng độ hormone tăng trưởng trở về bình thường, bệnh nhân có thể bị đái tháo đường type 2 thật sự.

Hội chứng Cushing

Hội chứng cushing là bệnh gây ra do nồng độ glucocorticoid trong máu tăng cao

Ở Việt Nam nguyên nhân hàng đầu là do bệnh nhân sử dụng thuốc chứa corticoid kéo dài như: dexamethesone, tiêm thuốc giảm đau ( chứa corticoide)….

Rối loạn dung nạp glucose gặp trong 30-60% Đái tháo đường thực sự : 20-50% trên những bệnh nhân có nguy cơ bị đái tháo đường, vd: tiền căn gia đình bị ĐTĐ…

Lâm sàng giống như đái tháo đường type 2 vì glucocorticoid gây tăng đường huyết là do đề kháng insulin.

Sử dụng glucose nhờ insulin ở ngoại biên giảm, đồng thời gan tăng sản xuất glucose dẩn tới tăng đường huyết

Điều trị: tăng đường huyết do nguyên nhân nội sinh gây hội chứng Cushing có thể cần điều trị bằng sulfonylureas, đôi khi cần insulin

Điều trị tăng đường huyết trong hội chứng Cushing do thuốc tùy theo thời gian và thời gian bán hủy của thuốc corticoid.

Sau khi điều trị hội chứng cushing, rối loạn dung nạp glucose sẽ cải thiện.

U tủy thượng thận

Tăng đường huyết xảy ra gần 50% bệnh nhân pheochromocytoma.

Tỉ lệ đái tháo đường khoảng 35%

Cơ chế : Giảm tiết insulin và đề kháng insulin qua trung gian catecholamin. Epinephrine ức chế tế bào beta tiết insulin bằng cách kích thích thụ thể adrenergic α2.

Ở gan, epinephrin kích hoạt beta 2 adrenoceptors để tăng ly giải glycogen và tân sinh glucose. Thêm vào đó, epinephrine cũng giảm sử dụng glucose ở cơ.

U tiết glucagon

U tiết glucagon là một u hiếm tế bào α ở tụy U tiết glucagon biểu hiện bởi hội chứng 4D: Diabetes ( đái tháo đường), Dermatitis ( viêm da), Deep vein thrombosis ( thuyên tắc tĩnh mạch sâu) và Depression ( trầm cảm).

Glucagon là hormon đối kháng, gây tăng sản xuất glucose ở gan do tăng ly giải glycogen và tân sinh đường ở gan.

SOMATOSTATINOMA

Somatostatinoma là khối u thần kinh nội tiết. có nguồn gốc ở tụy hay ruột non.

Phóng thích lượng lớn somatostatin gây hội chứng lâm sàng dễ nhận thấy bao gồm: đái tháo đường, bệnh túi mật, tiêu chảy và sụt cân. Đái tháo đường xảy ra thứ phát do somatostatin ức chế sự phóng thích insulin.

VIPoma

Hội chứng VIPoma là do khối u nội tiết tuyến tụy tiết quá mức vasoactive intestinal peptide (VIP)

Biểu hiện bởi hội chứng tiêu chảy mất nước, hạ kali và giảm toan dịch vị.

Tăng calci máu và tăng đường huyết gặp trên 50% bệnh nhân.

Tăng đường huyết là do tác dụng tăng ly giải glycogen của VIP trên gan.

Cường giáp

Cường giáp đôi khi làm tăng đường huyết là do tăng tiết hormone tăng trưởng, tăng ly giải glycogen và tân tạo glucose, giảm hoạt động của insulin.

Tăng GLUT-2 transporter ở gan qua đó giải phóng glucose từ gan tăng lên.

  • Cường Aldosterone nguyên phát

       + Bệnh thường gây tăng huyết áp ở người trẻ và hạ kali máu gây yếu hay liệt chi

       + Cơ chế gây tăng đường huyết không rỏ

       + Rối loạn dung nạp glucose gặp trong 50% bệnh nhân

  • Cường tuyến cận giáp nguyên phát

       + Một trong những nguyên nhân gây đái tháo đường thứ phát chính là cường tuyến cận giáp nguyên phát

       + Cường tuyến cận giáp nguyên phát gây tăng sản xuất hormone cận giáp và tăng canxi trong máu, gây sỏi thận tái phát thường xuyên, đau xương, táo bón, giảm trí nhớ…

       + Tỉ lệ đái tháo đường trên bệnh nhân cường tuyến cận giáp nguyên pháp cao gấp 3 lần so với dân số chung, một số trường hợp cần phải điều trị bằng insulin.

       + Cơ chế do đề kháng insulin

Đái tháo đường do viêm tụy cấp

Phản ứng viêm tại tuyến tụy có khả năng làm tăng đường huyết thoáng qua.

Viêm tụy cấp do rượu ( các ông nhậu nhiều có nguy cơ rất cao bị bệnh này)

Bệnh thường làm tổn thương nhiều mô tụy vì thế làm tăng đường huyết.

Tăng đường huyết tương quan đến mức độ hoại tử mô và tử vong.

Tăng đường huyết sẽ giảm sau vài tuần bị viêm tụy cấp, tuy nhiên 24-35% bệnh nhân bị rối loạn dung nạp glucose và 12% bị đái tháo đường sau khi bị viêm tụy cấp.

Đái tháo đường do bệnh viêm tụy mạn

Đây là một trong những nguyên nhân đặc biệt gây đái tháo đường

Rối loạn dung nạp glucose thường gặp trên bệnh nhân viêm tụy mạn tuy nhiên đái tháo đường thật sự thường xảy ra trong giai đoạn cuối của bệnh.

Viêm tụy mạn calci hóa có nguy cơ cao bị đái thao đường (60-70%) hơn là viêm tụy mạn không có calci hóa.

Đái tháo đường thường khởi phát âm thầm sau nhiều năm: 60% sau 20 năm Đái tháo đường do viêm tụy mạn cần điều trị bằng insulin vì tế bào beta bị phá hủy.

Tuy nhiêm hiếm khi bị nhiễm ketoacidosis vì dự trữ tế bào beta vẫn còn.

Tổn thương tế bào α tiết glucagon làm dể bị hạ đường huyết làm cho việc kiểm soát đường huyết khó khăn hơn.

Đái tháo đường do ung thư tuyến tụy

Rối loạn dung nạp glucose là biểu hiện sớm của ung thư tuyến tụy, xuất hiện trước khi triệu chứng biểu hiện rỏ ràng.

Adenocarcinoma tuyến tụy là nguyên nhân đứng thứ 5 trong tử vong do ung thư. Tiên lượng xấu, sống sau 5 năm < 3%.

Đái tháo đường do bệnh xơ nang tụy (Cystic fibrosis)

Xơ nang bao gồm tam chứng liên quan đến bất thường tuyến mồ hôi, tuyến tụy và biểu mô đường hô hấp. Bệnh đái tháo đường do xơ nang tụy chủ yếu là do thiếu insulin.

Trong giai đoạn sớm của bệnh chức năng tế bào beta vẫn bình thường.

Khi bệnh tiến triển, quá trình tiết insulin bị suy giảm do suy giảm chức năng tế bào beta, hậu quả của quá trình xơ hóa, nhiễm mỡ và lắng đọng amyloid. Sự đề kháng insulin đóng vài trò rất ít.

Điều trị: Lúc đầu có thể chỉ cần dùng sulfonylureas, tuy nhiên, cuối cùng cần insulin để ổn định đường huyết.

Đái tháo đường do bệnh nhiễm sắc tố sắt

Bệnh nhiễm sắc tố sắt là do quá tải sắc do di truyền hay mắc phải ( những trường hợp phải truyền máu thường xuyên)

Tỉ lệ đái tháo đường tùy thuộc vào sự quá tải sắt và xơ gan. 50% giảm dung nạp glucose và 25% bị đái tháo đường thật sự.

Tích tụ sắt ở tuyến tụy gây xơ hóa tuyến tụy và đái tháo đường thứ phát

Cơ chế chính xác của đái tháo đường do sắt vẫn chưa rỏ ràng, dường như sự tích tụ sắt gây dề kháng insulin và giảm tiết insulun bên cạnh rối loạn chức năng gan.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan mạn và xơ gan

Rối loạn dung nạp glucose và đái tháo đường tăng trong bệnh lý gan mạn.

Đề kháng insulin đặc trưng của bệnh nhân xơ gan, ngay cả khi mới chỉ có tăng áp tĩnh mạch cửa đề kháng insulin đã xuất hiện.

Đề kháng và giảm tiết insulin đều góp phần làm tăng đường huyết trong xơ gan.

Tăng đường huyết trong bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường cho là liên quan đến con đường viêm.

Ngoài ra những thuốc điều trị trong bệnh gan cũng có thể gây tăng đường huyết như interferon, corticoid…

Đái tháo đường do Viêm gan siêu vi C

Đái tháo đường có tỉ lệ cao hơn ở bệnh nhân bị viêm gan siêu vi C hơn những bệnh lý gan khác. Cơ chế không được biết rõ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH KHÁM