Các bệnh cơ xương khớp là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật trên toàn thế giới. Những bệnh lý này hạn chế đáng kể khả năng vận động và sự linh hoạt, dẫn đến nhiều hệ lụy như nghỉ việc sớm, giảm chất lượng sống.
Bệnh cơ xương khớp bao gồm hơn 150 vấn đề liên quan đến hệ vận động của cơ thể, như là cơ, xương, khớp và các mô liên quan (dây chằng, gân). Khái niệm này bao quát từ những vấn đề xuất hiện đột ngột, trong thời gian ngắn như gãy xương, bong gân, căng cơ cho đến các bệnh lý mạn tính, nghiêm trọng gây đau đớn dai dẳng và tàn tật.
Các bệnh cơ xương khớp thường gặp
Bệnh về cơ xương khớp gồm nhiều vấn đề với tên gọi cụ thể cho vị trí bị ảnh hưởng, thường gặp là:
- Ở khớp: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, bệnh gút, viêm cột sống dính khớp
- Ở xương: loãng xương, tiền loãng xương và xương dễ gãy, gãy xương do chấn thương
- Ở cơ bắp: thiểu cơ
- Ở cột sống: đau lưng, đau cổ
- Ở các mô xung quanh: viêm gân, giãn dây chằng
Nhóm bệnh lý này còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể hoặc toàn thân, chẳng hạn như các rối loạn gây đau và lan rộng hay tình trạng viêm nhiễm có biểu hiện trên cơ xương khớp (như lupus ban đỏ hệ thống). Đa số bệnh cơ xương khớp mạn tính có nguy cơ mắc phải tăng lên theo độ tuổi.
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh cơ xương khớp
Đau và hạn chế vận động là triệu chứng chung của nhiều bệnh lý cơ xương khớp. Với các bệnh mạn tính, người bệnh có thể chịu đựng những cơn đau dai dẳng. Trong số trường hợp, khớp có thể bị biến dạng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể gặp phải là:
- Cứng khớp
- Sưng
- Đau nhức âm ỉ
- Nghe âm thanh lạo xạo trong khớp
- Dấu hiệu viêm tại chỗ ảnh hưởng: đau, sưng, ấm, đỏ
Một vài trường hợp, triệu chứng bệnh ảnh hưởng đến cả hoạt động thường ngày như đi bộ, cử động tay chân. Khi bệnh tiến triển nặng đến mức hạn chế phạm vi chuyển động, bạn có thể gặp khó khăn trong sinh hoạt thường nhật.
Tùy theo vấn đề mà bạn gặp phải, triệu chứng sẽ xuất hiện ở các vị trí khác nhau như cổ, vai, cổ tay, lưng, hông, chân, đầu gối, bàn chân… Nếu không tích cực điều trị sớm, căn bệnh của bạn có thể tiến triển và để lại di chứng nặng nề.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh cơ xương khớp
Tùy từng bệnh lý cụ thể mà nguyên nhân gây bệnh sẽ khác nhau, có thể liên quan đến chuyển hóa, hệ miễn dịch, phản ứng viêm, lối sống, tuổi tác… Ví dụ, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý có sự hiện diện của các yếu tố tự miễn, xảy ra do hệ thống miễn dịch tự tấn công vào các tế bào khỏe mạnh ở khớp. Bệnh gút xảy ra do quá trình chuyển hóa tạo ra quá nhiều axit uric và không đào thải hết ra ngoài, sau đó lắng đọng thành tinh thể tại các khớp.
Ngoài ra, nguy cơ phát triển các bệnh lý này thường tăng lên do ảnh hưởng từ một số yếu tố:
- Tuổi tác
- Nghề nghiệp
- Mức độ hoạt động
- Lối sống
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Tiền sử bệnh của gia đình và bản thân
Đối với những căn bệnh liên quan đến thoái hóa các cấu trúc xương khớp, bạn có thể có nguy cơ cao nếu:
- Ngồi nhiều giờ liền mỗi ngày trước máy vi tính
- Thực hiện các cử động lặp đi lặp lại (như khuân vác, cúi chào…)
- Nâng vật nặng thường xuyên
- Không duy trì đúng tư thế khi làm việc
Chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Làm sao để chẩn đoán các bệnh lý này?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi về các triệu chứng của bạn. Dựa trên những nghi ngờ ban đầu, bác sĩ sẽ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm bổ sung để đưa ra chẩn đoán cuối cùng. Một số phương pháp hỗ trợ bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Chụp X-quang
- Chụp CT
- Chụp MRI
Điều trị các bệnh về cơ xương khớp
Tùy vào kết quả chẩn đoán bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường, người bệnh sẽ điều trị triệu chứng đau cơ xương khớp bằng các thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol hay ibuprofen. Một vài trường hợp đau và viêm nặng hơn, bạn sẽ cần dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm như NSAID, corticosteroid.
Một số nhóm thuốc mới có tác động cho những bệnh cơ xương khớp cụ thể cũng mang lại hy vọng cho người bệnh. Ví dụ như thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD), thuốc sinh học ức chế yếu tố hoại tử khối u TNF-α hay ức chế interleukin IL-17…
Để cải thiện khả năng vận động, cải thiện sức mạnh, người bệnh có thể tham gia vật lý trị liệu hay thử các phương pháp điều trị thay thế khác như châm cứu, massage, nắn chỉnh xương khớp. Phối hợp các biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc thường cho thấy kết quả tích cực.
Trường hợp bệnh nặng gây đau đớn kéo dài hay ảnh hưởng nặng đến cấu trúc xương khớp, người bệnh sẽ cần trải qua phẫu thuật phù hợp để điều trị. Bác sĩ có thể tiến hành mổ nội soi khớp hay những phẫu thuật lớn hơn như thay khớp, thay đĩa đệm, chỉnh hình cột sống…
Phòng ngừa và quản lý bệnh cơ xương khớp
Để giảm thiểu nguy cơ phát triển các bệnh lý cơ xương khớp, bạn hãy chú trọng vào việc chăm sóc sức khỏe ngay từ khi còn trẻ. Hãy xây dựng thói quen sống lành mạnh. Thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh thường xuyên sẽ giúp giữ cho cơ xương khớp chắc khỏe, dẻo dai. Thêm vào đó, bạn cần luôn chú ý đến tư thế trong các hoạt động thường ngày, bao gồm khi ngồi, đi đứng, bê vác đồ vật…
Một số thói quen xấu bạn cũng cần loại bỏ nếu muốn duy trì hệ thống cơ xương khớp khỏe mạnh nói riêng hay toàn bộ cơ thể nói chung là
- Bỏ hút thuốc
- Tránh để thừa cân, béo phì
- Ăn uống không khoa học, thiếu hụt chất dinh dưỡng
- Sống thụ động, lười vận động
Nếu bạn đã mắc phải một bệnh cơ xương khớp nào đó, hãy hỏi bác sĩ cách thay đổi lối sống sao cho kiểm soát bệnh tốt nhất. Phối hợp các biện pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc hợp lý sẽ giúp bạn duy trì chất lượng cuộc sống, tránh những hậu quả nặng nề từ các bệnh lý này.
Cần tư vấn đặt lịch vui lòng liên hệ qua số hotline 096.3761115 – 0978805115 hoặc đặt lịch trực tiếp tren web sibe của bệnh viện
ý nghĩa