BỆNH LÝ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GÂY NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM NÀO?

BIẾN CHỨNG CẤP TÍNH

1. Nhiễm toan ceton:

Nhiễm toan ceton thường gặp ở ĐTĐ typ 1. Tuy nhiên có thể gặp ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 khi phải chịu những cơn stress nặng như chấn thương, nhiễm trùng… Khoảng 5% bệnh nhân tử vong vì biến chứng này.

2. Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu:

+ Là một hội chứng rối loạn đường huyết nặng nhưng không có thể ceton trong máu và nước tiểu.

+ Biểu hiện bằng tình trạng mất nước và tăng áp lực thẩm thấu.

+ Biến chứng này tiên lượng xấu, nếu vượt qua cũng để lại nhiều di chứng như: tổn thương chức năng cơ bản của thận, suy tim xung huyết.

3. Hạ đường huyết:

Hạ đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ khi đường huyết < 3,5mmol/l.

Triệu chứng :

+ Vã mồ hôi lạnh, da nhợt nhạt, run rẩy, tim đập nhanh, cảm giác đói.

+ Các triệu chứng liên quan đến thiếu oxy não bao gồm: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, lo lắng, hồi hộp, kích động.

+ Nặng: lơ đãng, buồn ngủ, lơ mơ, co giật, hôn mê, tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Triệu chứng khác nhau tùy mức GM và phản ứng của từng bệnh nhân. Ví dụ ở mức 3,5mmol/l một số người đã có triệu chứng báo động như run rẩy chân tay, vã mồ hôi lạnh, nếu về đêm có thể gây tỉnh giấc… Nếu phản ứng cá thể tốt thì cơ thể có thể điều hòa ngược kịp thời nhờ hệ thần kinh thực vật hoặc người bệnh kịp thời bổ sung bằng thức ăn. Những trường hợp không phản ứng kịp sẽ dẫn đến thiếu glucose não trầm trọng, gây lú lẫn, hôn mê, tử vong.

Nguyên nhân:

+ Do thuốc: Do sử dụng insulin hoặc thuốc chống ĐTĐ dạng uống (Hay gặp ở loại có tác dụng kéo dài) quá liều. Hoặc do một số nhóm thuốc dùng đồng thời (ví dụ: chẹn beta giao cảm).

+ Không do thuốc: bỏ bữa, uống bia rượu mà ăn ít hoặc tập luyện nhiều mà không tăng thêm năng lượng.

4. Nhiễm toan lactic:

Là một biến chứng nhưng rất nặng ở ĐTĐ typ 2, đặc biệt là ở người cao tuổi, nhưng đặc trưng nhiễm toan chuyển hóa do tăng acid lactic trong máu. Biguanid tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm toan lactic do làm giảm oxy ở mô. Để giảm nguy cơ này cần tuân thủ chặt chẽ các chống chỉ định của biguanid.

BIẾN CHỨNG MẠN TÍNH

1. Biến chứng mạch máu lớn:

+ Nguy cơ tai biến do biến chứng mạch máu lớn bao gồm bệnh tim mạch ( bệnh mạch vành tim, tăng huyết áp), mạch não (đột quỵ) và mạch ngoại vi ảnh hưởng đến động mạch chi dưới, gây chững khập khễnh cách hồi, chuột rút.

+ Tỷ lệ bệnh lý này cao hơn bình thường 2-4 lần.

+ Nếu gặp bệnh lý mạch ngoại vi thì nguy cơ tai biến tim mạch tăng; khoảng 20% bệnh nhân có bệnh lý mạch ngoại vi sẽ tử vong do nhồi máu cơ tim trong vòng 2 năm kể từ khi bắt đầu có triệu chứng.

 + Bệnh lý mạch ngoại vi cũng là thủ phạm gây bệnh lý bàn chân do ĐTĐ.

2. Biến chứng bàn chân do mạch máu nhỏ:

Bao gồm các biến chứng ở võng mạc, bệnh thận, bệnh thần kinh.

Bệnh võng mạc:

+ Là nguyên nhân gây mù lòa ở người dưới 60 tuổi mắc ĐTĐ.

+ Bệnh bõng mạc gặp sau khoảng 20 mươi năm kể từ khi mắc bệnh ở 90% bệnh nhân ĐTĐ typ 1 và khoảng 60% ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2.

+ Kiểm soát nghiêm ngặt đường huyết với bệnh nhân ĐTĐ cả 2 typ và kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân ĐTĐ typ 2 sẽ giảm và chậm nguy cơ tai biến này.

+ Điều này càng đặc biệt quan trọng với bệnh nhân ĐTĐ thai nghén.

Bệnh thận:

+ Tổn thương thận được xác định khi xuất hiện albumin trong nước tiểu (microalbumin và macroalbumin).

  • Xác định mức độ tổn thương qua hệ số albumin /Creatinin (Albumin/Creatinin Ratio = ACR).
  • Gọi là microalbumin khi ACR ≥2,5 mg/mmol (nam) và 3,5 mg/mmol (Nữ).
  • Macroalbumin (protein niệu) khi ACR ≥30mg/mmol hoặc nồng độ albumin trong nước tiểu > 200mg/L.
  • Protein có thể diễn biến đến suy thận giai đoạn cuối và cần phải thẩm tích máu.

+ Biến chứng tim mạch tỷ lệ thuận với mức albumin niệu: tăng 2-4 lần nguy cơ ở bệnh nhân có microalbumin và 50 lần ở bệnh nhân có macroalbumin (protein niệu) hoặc phải thẩm tích máu. Kiểm soát chặt mức GM và huyết áp sẽ làm chậm và hạn chế tỷ lệ biến chứng này.

+ Thuốc ức chế men chuyển (AECI) hoặc ức chế thụ thể AT1 (angiotensin receptor blockers = ARBs) được lựa chọn hàng đầu vì vừa kiểm soát được huyết áp vừa có tác dụng bảo vệ thận.

Bệnh thần kinh ngoại vi:

+ Là thoái triển của sợi thần kinh ngoại vi dẫn tới mất chức năng thần kinh. Bệnh thần kinh ngoại vi do ĐTĐ liên quan đến các triệu chứng của rối loạn cảm giác, vận động và tự động; bệnh gặp ở cả 2 typ ĐTĐ và mọi lứa tuổi nhưng nhiều hơn ở người cao tuổi mắc ĐTĐ typ 2.

+ Các biểu hiện thường là đau (nhiều khi phải dùng đến cả morphin để giảm đau), giảm phối hợp vận động, nhất là phối hợp với các hoạt động phức tạp.

+ Tổn thương thần kinh tự động (giao cảm và phó giao cảm) trong bệnh lý thần kinh ngoại vi gây bất lực (ở nam giới), mất tương lực bàng quang dẫn đến dãn bàng quang, giảm trương lực co bóp dạ dày có thể gây nôn và chậm tháo rỗng, ảnh hưởng tới hấp thu thức ăn gây trở ngại cho bệnh nhân sử dụng insulin.

+ Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây giảm bài tiết mồ hôi, gây teo da và khô da làm nặng thêm các biến chứng bàn chân.

+ Các rối loạn thần kinh tự động cũng gây loạn hoạt động của hệ tuần hoàn và hô hấp.

 

One thought on “BỆNH LÝ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG GÂY NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM NÀO?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH KHÁM