VIÊM HỌNG CẤP TÍNH

1.Đại cương:

Viêm họng và viêm niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc ở họng. Nói đến viêm họng chủ yếu là nói đến viêm ở họng miệng.

Viêm họng cấp tính tức là viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với viêm amidan (A) khẩu cái, một số ít trường hợp kết hợp với viêm amidan đáy lưỡi. Do đó, hiện nay người ta có xu hướng nhập lại thành viêm họng- viêm amidan cấp.

Là bệnh rất thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc đồng thời với viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm xoang… Hoặc trong các bệnh nhiễm khuẩn lây nhiễm của đường hô hấp trên như cúm, sởi…

Trong viêm họng cấp, chúng ta nghiên cứu chủ yếu là viêm họng đỏ cấp thể thông thường do tính chất thường gặp của chúng.

2. Nguyên nhân:

2.1. Tác nhân:

– Do virus là chủ yếu, chiếm 60-80%, gồm Adénovirus , virus cúm, virus para- influenzae, virus Coxsakie, virus Herpes, virus Zona, EBV…

– Do vi khuẩn chiếm 20-40%, gồm liên cầu (tan huyết nhóm A, các nhóm B,C,G ít gặp), Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, Moraxella catarrhalis, vi khuẩn kị khí. Các vi khuẩn Neiseria, phế cầu , Mycoplasme rất hiếm gặp.

2.2. Nguyên nhân bệnh sinh của viêm họng:

Do thời tiết thay đổi, nhất là về mùa lạnh. Viêm họng đỏ cấp thường bắt đầu bằng sự nhiễm virus. Sau đó do độc tố của virus, cấu trúc giải phẫu của amidan và sức đề kháng của cơ thể đã gây nên sự bội nhiễm các tạp khuẩn khác, thường là các vi khuẩn hội sinh có sẵn trong họng như liên cầu, phế cầu và đặc biệt nguy hiểm là loại liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.

Bệnh lây lan bằng nước bọt, nước mũi.

3. Chuẩn đoán:

3.1. Lâm sàng: Viêm họng cấp thường xảy ra đột ngột.

3.1.1. Triệu chứng toàn thân:

Sốt vừa 38-39o C hoặc sốt cao, ớn lạnh, nhức đầu, đau mình mẩy, mệt mỏi, kém ăn. Phản ứng hạch góc hàm di động, ấn đau.

3.1.2. Triệu chứng cơ năng:

– Đau họng nhất là khi nuốt, kể cả khi nuốt chất lỏng. Khi nuốt, ho, nói thì đau nhói lên tai.

– Hai amidan khẩu cái cũng sưng to đỏ, có khi có những chấm mủ trắng hoặc lớp bựa trắng (như bựa cháo trắng) phủ trên bề mặt amidan.

– Trụ trước và trụ sau đỏ.

– Có hạch góc hàm sưng nhẹ và hơi đau.

3.2. Cận lâm sàng:

Xét nghiệm công thức máu: Giai đoạn đầu bạch cầu trong máu không tăng, nhưng nếu có bội nhiễm thì bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.

Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: để định loại được nguyên nhân gây bệnh.

3.3. Chuẩn đoán xác định:

– Đột ngột biểu hiện sốt, đau mình mẩy.

– Đau rát họng, có thể có ho khan hoặc có đờm.

– Khám họng: niêm mạc họng đỏ, amidan sưng nề có chấm mủ trắng.

– Khám hạch góc hàm di động ấn đau.

3.4. Phân loại bệnh:

– Viêm họng không đặc hiệu:

+ Viêm họng khu trú.

+ Viêm họng đỏ thông thường.

+ Viêm họng trắng thông thường.

+ Loét Amidan.

+ Viêm tấy quanh Amydan.

+ Viêm họng tỏa lan.

+ Viêm họng tấy tỏa lan.

+ Hoại thư họng.

-Viêm họng đặc hiệu:

+ Viêm họng bạch hầu

+ Viêm họng Vanhxăng (Vincent).

+ Viêm họng do hecpet (Herpès).

+ Viêm họng do zona.

+ Lao họng.

+ Giang mai họng.

+ nấm họng.

-Viêm họng do bệnh máu:

+ Viêm họng trong bệnh bạch cầu cấp (Leucose).

+ Viêm họng trong suy tủy, mất bạch cầu hạt.

+ Viêm họng trong bệnh tăng bạch cầu đơn nhân.

3.5. Chuẩn đoán phân biệt:

– Dị vật đường ăn: đau nhói họng đột ngột trong khi ăn, soi họng thấy dị vật.

– Viêm niêm mạc miệng: niêm mạc miệng đỏ, có thể thấy vết trợt, loét ở bên má, lưỡi.

4. Điều trị:

hình ảnh các bác sỹ bệnh viện đa khoa Bảo Sơn đang khám cho bệnh nhân

4.1. Nguyên tắc điều trị:

Mọi trường hợp viêm họng đỏ cấp đơn thuần ở bệnh nhân trên 3 tuổi đều phải được điều trị như một viêm họng đỏ cấp do liên cầu khi không có xét nghiệm định loại virus hoặc vi khuẩn.

-Kháng sinh nhóm beta lactam hoặc các nhóm khác.

-Điều trị triệu chứng: giảm viêm, giảm đau, hạ sốt.

-Điều trị tại chỗ: bôi họng, xúc họng, khí dung họng

-Xác định nguyên nhân để điều trị.

4.2. Điều trị cụ thể:

4.2.1. Điều trị toàn thân.

– Hạ sốt, giảm đau: paracetamol, aspirin…

– Kháng sinh: Amoixilin, cephalexin, erythromycin, clarythromycin…

– Kháng viêm: alpha chymotrypsin, prednisolon 5mg.

4.2.2. Điều trị tại chỗ

– Xông họng: kháng sinh + giảm viêm

– Xúc họng: BBM ngày 3-4 lần

4.4.3. Nâng đỡ cơ thể.

Bổ sung các yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin…

Chú ý: Khi viêm họng đỏ cấp thể nặng hoặc đã có biến chứng cần chuyển đến chuyên khoa kịp thời.

5. Tiến triển và biến chứng.

Nếu là do virus, bệnh thường kéo dài 3-5 ngày thì tự khỏi, các triệu chứng giảm dần. Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu, bệnh thường kéo dài ngày hơn và đòi hỏi một sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh biến chứng.

  • Biến chứng tại chỗ: Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan, viêm tấy hoặc áp xe các khoảng bên họng, áp xe thành sau họng ở trẻ nhỏ 1-2 tuổi, viêm tấy hoại thư vùng cố rất hiếm gặp như tiên lượng rất nặng.
  • Biến chứng lân cận: Viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp, viêm mũi viêm xoang cấp.
  • Biến chứng xa: Đặc biệt nếu là do liên cầu tan huyết có thể gây viêm thận, viêm khớp, viêm tim, choáng nhiễm độc liên cầu hoặc cá biệt có thể nhiễm trùng huyết.

6. Phòng bệnh

– Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm…

– Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch.

– Phòng hộ lao động tốt. Bỏ thuốc lá và rượu. Vệ sinh răng miệng tốt. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em.

7. Cách phòng tránh các bệnh hô hấp trên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH KHÁM